Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Xin lỗi, cảm ơn và câu chuyện về giao tiếp

Đông Nhi có một bài hát tên là "Nhớ mãi nụ cười xinh"
Lâu rồi không viết lách gì cả, nên cũng muốn viết lách đôi chút để lấy lại cảm giác viết lách. Hoặc, có thể nghĩ là "để chữa lành" cũng được. Tùy độc giả nghĩ.

Dạo này tác giả của bài viết này, rất hay gặp phải những trường hợp không biết nói xin lỗi, quên mất lời cám ơn, sử dụng ngôn từ đúng như một loại vũ khí đâm người khác chỉ để cho... sướng cái miệng. Thế nên, ban đầu những dòng này chỉ để nói về câu chuyện cám ơn và xin lỗi, nhưng sau đó, tác giả lại nghĩ, mình cần viết nhiều hơn những dòng như thế.

Có thể, tác giả là người quá truyền thống, quá hoài niệm, quá bảo thủ. Cũng có thể, tác giả là người quá tình cảm, quá cảm xúc, quá luật lệ nguyên tắc. Thế nào cũng được, nhưng có một vài chuyện, tác giả nghĩ, con người ta muốn sống tốt hơn thì nên làm.

CÁM ƠN VÀ XIN LỖI.

Ngày trước mình có đọc ở đâu đó, rằng xin lỗi, không phải là thấy bản thân mình có lỗi thì mình mới xin lỗi, mà là sự thể hiện của việc mình tôn trọng mối quan hệ với người mà mình đang xin lỗi. Thực ra mình thấy đúng. Xin lỗi không phải là nhún nhường hay bạc nhược, mà là một cách thể hiện sự cảm thông, hiểu cho những hành động của đối phương, hiểu cho cảm xúc và hành động của mình. Xin lỗi người khác, cũng có nghĩa là xin lỗi bản thân mình. Vì mình nghĩ, con người bản năng hướng đến những điều vui vẻ, điều khiến bản thân không thấy thoải mái cũng là điều làm tổn thương phần nào đó bản thân mình, dù điều đó do mình hay do người làm. Thế nên, xin lỗi là một từ rất quan trọng. Ít nhất, nó thể hiện rằng mình vẫn còn để tâm tới vấn đề/ mối quan hệ đó.

Lời cảm ơn thì chẳng cần bàn đến nữa nhé, vì đó là điều cơ bản cần làm, lời cơ bản cần nói, khi nhận được điều gì đó từ người khác rồi. Tốt xấu thế nào, thì cũng nên để lại một lời cảm ơn. Lời cảm ơn dù có giả tạo đến mấy, thì cũng vẫn có hiệu ứng lịch sự, nhã nhặn và nhận được một điểm cộng không nhỏ (trong mắt ai thì mình cũng không quan tâm lắm).

Nhớ lại ngày trước ở công ty cũ, cô bạn thân trong buổi họp hàng sáng, khi phải báo cáo, có nói rằng, hôm nay thay vì cám ơn anh chị vì điều này điều kia, thì bọn em xin phép được xin lỗi, vì em nghĩ rằng, xin lỗi cũng là một cách để cám ơn. Nhìn ra được lỗi lầm để sửa chữa, hành động, thì hẳn sẽ là lời cám ơn tuyệt vời nhất. Dù đợt ý rất không ưa nàng, nhưng mình đồng ý với câu trả lời chống chế cho việc không biết báo cáo gì vào buổi họp đó.

Có thể, mình là người quá lịch sự và quá tình cảm, nên với mình, lời cám ơn và lời xin lỗi thực sự rất quan trọng. Lời cám ơn thể hiện sự biết ơn của bản thân với những gì mình được nhận, từ những người xung quanh, từ thế giới, từ vũ trụ. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" - chính xác đây là ý nghĩa của lời cám ơn đó. Dù cho quả đó ngọt đắng như thế nào, cũng cần phải nhớ kẻ trồng cây. Lời xin lỗi thể hiện cho sự trân trọng bản thân và những người trong mối quan hệ đó. Dạo gần đây, chân mình bị đau, mình có nhờ mẹ đưa đi làm, mẹ đưa mình đi. Mặc dù mẹ đi rất chậm, và mình luôn phải nhắc mẹ đi nhanh chút không con bị muộn làm, đôi khi khá khó chịu về cách tư duy đường đi của mẹ, nhưng mẹ đưa mình đến nơi, mình đều cám ơn mẹ. Không phải vì mẹ là mẹ của mình, mà là vì mẹ đã giúp đỡ mình. Cũng có rất nhiều anh/chú/bác grab làm mình bực dọc, nhưng mà cuối cùng vẫn vote 5 sao cho họ để thay cho lời cám ơn vì đã đưa mình đi làm mỗi sáng. Hay như sáng nay chẳng hạn, có cô bạn đồng nghiệp mua hộ túi cháo (mua hộ nhé, mình phải trả tiền nhé), mình vẫn cám ơn bạn ý. Vì mình nhờ và bạn ý giúp, cũng vì chân đau hạn chế đi lại nên bỗng nhiên mình có bữa trưa ăn đủ no. Lời xin lỗi cũng tương tự.

Nhiều người sẽ bảo, nói làm gì mấy cái lời cám ơn xin lỗi thừa thãi đó? Ừ đúng, mấy lời cám ơn và xin lỗi đó sẽ là thừa thãi nếu hành động và thái độ đi kèm không tương xứng. Thế nên, nếu ghim cố định hoặc bỏ qua yếu tố hành động và thái độ, thì chẳng có gì là thừa thãi ở đây cả. Nên nhớ, khi bạn dám nói lời cám ơn và dám nói lời xin lỗi với người khác, cũng chính là việc bạn chấp nhận và trân trọng bản thân mình. 

Ấy thế mà, có những người, có những chuyện rõ rành rành là cần cám ơn và xin lỗi người khác, nhưng lại luôn không dám đối diện, lờ lớ lơ nó đi hoặc đổ sang một tội danh khác cho người khác. Mình không thích cách hành xử kiểu đấy. Cũng có thể xã hội bây giờ hiện đại quá, thay đổi nhanh một cách chóng mặt, thế nên bản thân mình không theo kịp với cái tư duy không lời cám ơn, không câu xin lỗi. Tự dặn mình, về sau có con, nhất định một trong những điều đầu tiên dạy con, là phải dạy con nói lời cám ơn và câu xin lỗi.

CÂU CHUYỆN VỀ GIAO TIẾP

Mean - Taylor Swift

Link nhạc trên là MV "Mean" của Taylor Swift, câu đầu tiên của bài hát là "You with your words like knives and swords and weapons that you use against me". Ngày xưa, cái thời mà vẫn còn chiến tranh, Thạch Lam có viết "Văn chương là một thứ vũ khí sắc bén, đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn". Có vẻ như nhiều người chỉ biết đến hết từ "sắc bén", mà không hề biết vế sau.

Dạo gần đây, mình hay thấy nhiều người dùng ngôn từ không để lật tẩy sự giả dối, cũng không làm lòng người trong sạch, mà dùng ngôn tử để ... cho sướng cái miệng của bản thân họ. Nếu xét chuyện tương tác ảo trên mạng cũng là một cách để giao tiếp, thì nhiều bạn cũng đang tương tác chẳng hợp lý. Mình không hiểu vì sao có những bạn mà status nào cũng có thể thả haha, từ status kêu đau chân gãy chân cho đến các status buồn thảm thất tình? Các bạn bật tool auto tương tác haha hay là như thế nào ạ? Status viết lên nó buồn và gây cười với các bạn đến thế ạ? Hay là các bạn haha với ngụ ý "tao cười vào mặt mày đấy?" ạ? Mình cũng không thấy thích hành động này lắm. Mình cũng là đứa rất hay thả haha, nhưng mình bên cạnh đó cũng biết thả tym cho những thứ đáng yêu, thả like nếu đồng tình, thả buồn nếu đồng cảm, thả phẫn nộ nếu có quan điểm trái chiều. Thậm chí đến hôm nay, mình thấy một chị comment ở stt kêu bong gân của mình là "12 năm facebook không nhắc lại nên chân tự đau để nhắc lại hả em?", đại ý như vậy. Vừa hay lúc chiều, khi chị leader thông báo bé Chi không đi chơi vào cuối tuần được, một chị khác chat group "biết ngay" cùng chiếc mặt cười dài ngoằng ngoẵng. Trước đó thì mình cũng thông báo là mình bị ngã bong gân, hên xui không biết đi được hay không. Mình thấy một sự không duyên dáng không hề nhẹ ở đây.

Mình không thích thôi, và mình quan sát được là mình không hề thích những hành động kiểu đó. Tất nhiên, lúc viết ra những dòng này, viết xong thì mình cũng chẳng còn suy nghĩ gì nữa rồi.

Mình vẫn băn khoăn một câu hỏi là, tại sao con người lại phải đối xử với nhau như vậy? Nếu không biết an ủi điều gì, có thể ngồi yên quan sát chẳng làm gì hết, đến khi nào người khác ổn rồi thì hãy lên tiếng hoặc hành động. Như vậy không được sao? Mà lại cứ phải hành động một điều gì đó không phù hợp? Không biết thả haha hay thả like, comment gì cả, thì có thể chẳng làm gì, hoặc inbox một câu chân thành "tớ cũng quan tâm cậu nhưng tớ không biết nên nói gì" được không? Easy mà? Hay, lại do suy nghĩ của mình đã quá cũ, quá cổ hủ, nên cái nhìn của mình về những hành động kiểu như vậy sẽ được cho là "quá khắt khe"? 

Nếu đổ lỗi một chút cho các chòm sao, thì Xử Nữ là đỉnh nhà 3, Mars Xử Nữ nhà 2, cộng thêm Mer và Sun đều là Ma Kết ở nhà 6 nữa, nên chắc mình sẽ thực sự khắt khe trong chuyện hành xử và giao tiếp thật. Chắc vậy, nhưng thôi bỏ qua đi, vì trước khi biết đến bản đồ sao của mình, mình vẫn khắt khe và kĩ tính như thế.

Và một vài từ ngữ hiện đại khác...

Cái này thì là cảm nhận cá nhân thôi. Bản thân mình không thích từ "vốn là". "Vốn là" có nghĩa là gì ạ? Google không thấy nghĩa ạ?

Cái gì mà "như mình vốn là" với cả "đối xử vốn là". Mọi thứ còn chưa được định nghĩa rõ ràng, hỏi lại là anh đối xử với em sẽ như thế nào, nhận được câu trả lời "vốn là" nghe lộn hết cả ruột. Cái từ "vốn là" tạo cho mình cảm giác có cũng như không, thông tin nhận được không có giá trị gì hết, trả lời cũng như không trả lời.

Từ ý nghe lạ, hay, có tính chất trend, nhưng đôi khi nghe nhiều quá thấy chả có nghĩa gì và thậm chí gây phản cảm luôn. À, tất nhiên, mình không thích từ đó thôi, đấy là cá nhân mình không thích từ đó.


Ảnh đẹp, môi xinh để nói những lời xinh nhé :">


Continue reading

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

BÌNH ĐẲNG và CÔNG BẰNG

Theo thứ tự từ trái sang phải: Thiên Bình - trái tim - Bảo Bình
Có người anh post group, nêu vấn đề về công bằng và bình đẳng. Anh bảo, người ta vẫn hay dùng lẫn lộn sai nghĩa hai từ này, cần làm rõ.

Bản thân bất ngờ vì câu hỏi của người anh, trước giờ không thấy bản thân lẫn lộn giữa những khái niệm này. Cũng không nghĩ 2 khái niệm này sẽ dễ bị nhầm lẫn. Chắc hai khái niệm này có lớp nghĩa gì đó khác mà mình chưa sâu sắc để hiểu. Hoặc, mình học tiếng Việt cũng không giỏi lắm.

Search Google

Ban nãy, thử gõ "công bằng là gì" và "bình đẳng là gì", thì trên wiki ra như thế này:
  • Công bằng: (danh từ) dùng để chỉ cái gì đó hợp lý, không bất công. Thường thì những điều gì công bằng thì đúng. Từ đồng nghĩa là "hợp lý" và "đúng"
  • Bình đẳng: (danh từ) "bình" là đều nhau, "đẳng" là thứ bậc. Bình đẳng là ngang hàng nhau về quyền lợi, địa vị

Search thêm thì mới nhớ ra, câu này trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Bác Hồ trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Rõ ràng, trong các khái niệm cơ bản cũng đã thấy "bình đẳng" và "công bằng" vốn là hai khái niệm khác nhau rồi. Bình đẳng thuần túy mang nghĩa ngang nhau, còn công bằng mang thêm nét nghĩa về quan điểm đúng-sai hợp lý nữa.

Trong triết học, bình đẳng là khái niệm mà chủ nghĩa tư bản hay dùng, công bằng là khái niệm mà chủ nghĩa cộng sản hay dùng. Điều đó càng chứng tỏ, 2 từ này ngữ nghĩa khác nhau, cách dùng khác nhau. Và mình cũng không hiểu sao lại có sự lẫn lộn sai nghĩa giữa 2 từ này cả.

Quan điểm của Chi

Sáng nay trên đường đi làm nghĩ ra liên tưởng khá thú vị, nên lôi lên và lại viết, đọc kĩ lại xem rốt cuộc người anh muốn nói ẩn ý gì.

Lấy bối cảnh của một ngôi trường trung học.

Đồng phục mùa đông, đồng phục mùa hè, đồng phục thể dục được yêu cầu học sinh bắt buộc phải mua là thể hiện của sự bình đẳng. Ý nghĩa của đồng phục, không chỉ là "gò ép theo khuôn khổ", mà còn mang nghĩa đặt mọi học sinh đến trường ngang bằng nhau. Không quan tâm ở gần hay xa trường, nhà nghèo hay giàu, học dốt hay giỏi, các em học sinh một khi bước chân vào cổng trường thì sẽ ngang hàng như nhau, địa vị ngang như nhau, xuất phát điểm như nhau. Các em sẽ được các thầy cô truyền dạy đúng chất và đủ lượng kiến thức, cũng như được hưởng mọi chế độ, quyền lợi và trách nhiệm là như nhau. Đấy là ý nghĩa của đồng phục và sự bình đẳng. Đấy là quyền bình đẳng mà các em được nhận.
Đồng phục của mấy bạn này đẹp chưa :">

Còn chuyện điểm số phản ánh đúng học lực của học sinh, nó thể hiện sự công bằng (tất nhiên, bỏ qua đủ thể loại gian lận). Mình có 2 góc nhìn. Thứ nhất, khi các em học sinh nhận được sự giáo dục như nhau, em nào khả năng tiếp thu và thái độ học tập tốt hơn sẽ đặt điểm số cao hơn. Đó là sự công bằng. Thứ hai, học sinh nào có học lực tốt hơn thì sẽ được tiếp cận những bài nâng cao hơn. Đó cũng là sự công bằng. Trong trường hợp này, nếu áp dụng "bình đẳng" vào, thì chắc chắn sẽ xảy ra một trường hợp gọi là cào bằng. 

Lên đại học có một trò rất hay mang tên "bài tập nhóm". Bình đẳng, công bằng, cào bằng là 3 khái niệm xuất hiện rõ nét trong hoạt động này. Thầy cô coi các bạn trong nhóm như nhau, bạn nào hỏi cũng sẽ trả lời thắc mắc, như vậy là bình đẳng. Nhóm trưởng nhìn được năng lực từng bạn, phân công hợp lý, như vậy là công bằng. Khi có kết quả của bài tập nhóm, có 2 trường hợp: nhóm trưởng chia điểm theo đóng góp của thành viên là công bằng, còn nhóm trưởng chia đều điểm bình đẳng chứ không quan tâm đến sự đóng góp là cào bằng. Mình thì không khuyến khích áp dụng sự bình đẳng những lúc kết thúc và đưa ra quyết định, vì sự bình đẳng áp dụng lúc đó, sẽ khiến mọi thứ biến thành "cào bằng". Mà cào bằng thì không vui!

Thế nên, theo quan điểm của Chi, người ta không nhầm lẫn giữa công bằng và bình đẳng, người ta chỉ cố tình hoặc vô ý dùng sai nó để đạt được mục đích nào đó.

Bình đẳng và công bằng mâu thuẫn không?

Câu trả lời là không hề!!!
Ảnh này kute dễ sợ :">

Xét dưới góc độ chiêm tinh, bình đẳng là key của Bảo Bình, công bằng là key của Thiên Bình. Cả 2 bạn Bình này đều là cung khí, cùng nguyên tố, tạo với nhau 1 góc 120 độ. Độ hợp dơ của 2 bạn là rất cao, cùng mục tiêu, mục đích, cách thức làm khác nhau thôi. Rõ ràng, khái niệm bình đẳng hay công bằng, sinh ra đều nhằm mục đích đưa ra được những chuẩn mực cư xử hợp lý nhất với một mối quan hệ, tổ chức hay xã hội nào đó. Bình đẳng không nhằm mục đích khiến người ta ức chế vì không được công nhận, còn công bằng cũng không sinh ra để người ta cảm thấy thua kém thiệt hơn. 

Xét dưới góc độ không chiêm tinh, thì bình đẳng và công bằng cùng tồn tại trong một quá trình, và chúng không mâu thuẫn với nhau. Như ví dụ ở trên, rõ ràng khi bắt đầu, học sinh cần được hưởng sự bình đẳng, sau quá trình học tập và rèn luyện thì sẽ được hưởng sự công bằng. Nếu đổi ngược lại, hưởng sự công bằng trước, bình đẳng sau, sẽ tạo ra sự cào bằng không đáng có. Sự bình đẳng để ở đoạn cuối của quá trình không chỉ tạo ra hiện tượng cào bằng, mà còn gây ức chế cho những người trong cuộc. Bởi, nỗ lực và mọi thứ họ làm trong cả quá trình, dù tốt hay xấu đều tạo ra kết quả như vậy. Lâu dần, việc này sẽ làm thui chột sự cố gắng, nhiệt huyết, động lực của họ.

Một người đã nỗ lực hết mực nhưng cuối cùng lại bị đánh đồng với người chẳng làm gì, chắc chắn sẽ thấy khó chịu. Người ta khó chịu không phải vì cảm thấy bình đẳng và công bằng mâu thuẫn. Người ta khó chịu vì tổ chức (hoặc người) đánh giá kia, không sử dụng công bằng mà nhắm mắt sử dụng bình đẳng cho giai đoạn cuối này. Ngược lại, một người không nỗ lực gì cả, tất nhiên sẽ khó chịu nếu tổ chức (hoặc người) đánh giá sử dung công bằng thay vì bình đẳng vào giai đoạn này. Vì rõ ràng, nếu sử dụng bình đẳng vào giai đoạn này, người không nỗ lực được cào bằng như người có nỗ lực, có lợi hơn chứ!

Thế nên, theo quan điểm của Chi, bình đẳng và công bằng không mâu thuẫn với nhau, và người ta cũng không khó chịu hay nghĩ rằng đây là hai khái niệm mâu thuẫn. Người ta khó chịu vì cái được sử dụng không phải cái người ta muốn

Rút ra được điều gì?

Trong các hoạt động cộng đồng, hội nhóm (như nhà trường là một ví dụ), nếu chỉ có bình đẳng thì sớm hay muộn cũng sẽ đổ sụp. Những người có cùng chung 1 cái gì đó khi tập hợp với nhau tạo ra 1 cộng đồng, tổ chức, hội nhóm. Nhưng cá nhân với cái "cùng chung" đó thì mỗi người lại một khác. Với một vài người, cái "cùng chung" đó là gốc rễ vấn đề của họ. Nhưng với một vài người khác, cái "cùng chung" đó không phải là gốc rễ vấn đề của họ.
Tìm được bạn ảnh lồng ghép đáng yêu không chịu nổi <3
Thế nên, không thể nói rằng chỉ cần "bình đẳng" mà có thể giữ được một tổ chức bền lâu được. Gây dựng hội nhóm, cộng đồng, đều cần cả bình đẳng và công bằng. Bình đẳng coi mọi người là như nhau, để ai cũng được tiếp xúc với những cái chung như nhau. Nhưng đấy là giai đoạn đầu! Ở giai đoạn tiếp theo, khi mà mỗi người đã có những nhận định, đóng góp, suy nghĩ và sự phát triển bản thân riêng, thì không thể đánh giá hay chỉ áp dụng "bình đẳng" được (vì như đã nói, nó sẽ biến thành cào bằng). Lúc này cần sự công bằng. Công bằng xuất hiện trong giai đoạn này thể hiện rằng tổ chức, hội nhóm, cộng đồng đó có sự phát triển. 

Mình nghĩ, cứ dính dáng đến Bảo Bình, đều cần có sự phát triển theo hướng tích cực, cấp tiến ở trong đó. Bảo Bình phá luật không phải là để chơi trội, Bảo Bình phá luật là để làm cho cộng đồng phát triển hơn. Bảo Bình suy nghĩ nhìn xa trông rộng, là để cộng đồng tiếp cận với những tri thức cấp tiến hơn. Cộng đồng của Bảo Bình không phải là cộng đồng dậm chân tại chỗ. Cộng đồng của Bảo Bình là cộng đồng có sự tiến bộ và phát triển. Nếu chỉ mãi "bình đẳng", không có sự công bằng để phát triển, thì cũng chưa chắc đã là cộng đồng mà nhà 11 cai quản, mong muốn.

Bảo Bình - Thiên Bình hay nhà 11 - nhà 7 về cơ bản không tạo góc cứng, chúng trao đổi năng lượng theo kiểu nhẹ nhàng, tự nhiên và đáng yêu.

Bình đẳng và công bằng, về cơ bản không mâu thuẫn với nhau, chúng bổ trợ cho nhau, tạo thành cặp đôi hoàn hảo của cuộc sống.

À, đấy là quan điểm của Chi, quan điểm thì không có đúng có sai...

Continue reading

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Sao Thổ là một hành tinh rất đáng yêu !!!

Sailor Saturn - à, bạn Chi không xem anime này :))

Nãy có 1 chị trong group post bài nghiệm lý về Sao Thổ (Saturn) ở nhà 5, sau chuyến du lịch của chị ý. Rảnh thì không, nhưng thích viết thì có, mà không thể nào comment quá dài được, nên đành phải lần đầu vứt tất cả những gì mình định viết lên blog.

Nghĩ sao cũng được, tẹo nữa tất nhiên là sẽ vứt chiếc link xinh xắn này vào comment rồi! 

Sao Thổ của mình ở nhà 9. Với mình, sao Thổ là một bạn hành tinh rất hay ho và đáng yêu :">

HỌC LUÔN LÀ MỘT CÂU CHUYỆN RẤT VUI!

Nhà 9 có 1 key "học tập bậc cao", nhưng mình nghĩ key thầy cho thêm "học những thứ mình được lựa chọn" sẽ đúng hơn với mình.

Học những thứ được tự lựa chọn, mình luôn rất nghiêm túc, ý thức cao ngút trời, trách nhiệm quá thể quá đáng, mặc dù có rất nhiều mặc cảm và bi quan trong chuyện học tập.

Tự lựa chọn việc học và giỏi toán, nên từ bé mình nghiêm túc 100% môn này. Lớp 4 không được thi HSG vì lý do củ chuối (đhs luôn?!) nên hè năm đó quyết tâm tự học. Lên lớp 5 được thi HSG, dù chỉ được giải 3 (do điểm Văn thấp), điểm toán của mình vẫn 19.75/20, cao nhất quận Hoàn Kiếm. Lên lớp 9, mình cũng lựa Toán làm sân chơi, cũng được đi thi HSG. Hồi đó áp lực vì mình chỉ học cơ bản thỉnh thoảng nâng cao, còn 9 đứa còn lại học khủng quá. Đến lúc đi thi xong, crush 01x lúc đó hỏi "Ơ, cũng biết cách nhân lên cân bằng hệ số á? Tưởng mỗi A0 biết thôi?". Thiếu chút nữa mình đáp luôn chai nước vào bạn và bảo "bà mày tự học đấy!". May cho crush, hôm ý mình làm bài rực rỡ. Sau hôm ý mình không crush nó nữa. Lúc thi cấp 3, mình cũng nghiêm túc cày hết tất cả các bài và đề trong khoảng chục quyển toán từ chuyên đề đến đề thi. Mẹ chỉ lo con trượt cấp 3 do dốt văn, con chỉ chăm chăm ôn toán vì thích. Cuối cùng, mình đỗ toán Tổng Hợp và hóa Ams vì điểm văn, dù điểm toán/hóa cũng chẳng thấp.

Đó, vậy mới biết, sao Thổ mang lại cho người ta cảm giác bi quan cực kì, mặc cảm cực kì, nhưng cũng mang đến động lực ghê gớm như thế nào.

DẠY HỌC CŨNG LÀ MỘT CÂU CHUYỆN RẤT VUI!

Sao Thổ nhà 9 tác động lên cả việc mình truyền đạt lại kinh nghiệm của bản thân cho người khác, mà đôi khi nó sẽ được nâng tầm lên thành từ "dạy học".

Trước khi chính thức bước vào con đường gia sư, mình đã từng giảng bài cho bạn bè và các bé hàng xóm. Được cái mác đạt giải thành phố, học chuyên, nên mọi người tin tưởng lắm. Mỗi lần được nhờ vả, mình đều nghiêm túc nghiên cứu bài toán/ vấn đề, rồi giảng giải cẩn thận cho đối tượng. Kết thúc mỗi lần giảng giải đều không quên câu "có hiểu gì không?". 

Đến khi chính thức bước vào nghề gia sư, mình lôi hẳn sách vở xem lại kiến thức, update thông tin, lên giáo án, soạn đề một cách vô cùng nghiêm túc (dù lương bèo bọt). Cũng do mặc cảm về khả năng truyền đạt và kiến thức, nên mỗi lần đi dạy đều phải tìm cách để học sinh hứng thú. Mỗi lời giảng đều đặt để bài học, cảm xúc và đúng kiểu "giảng dạy vô cùng có tâm". Phụ huynh học sinh tin lời cô giáo Chi 100%, toàn "trăm sự nhờ cháu", "cháu kèm em giúp cô".

Ngay cả bây giờ đi làm, mỗi khi training, kiến thức và kinh nghiệm cũng được tìm đủ mọi cách để truyền đạt tới nhân sự bên dưới một cách tự nhiên và dễ hiểu nhất. Tất nhiên, thói quen hỏi "có hiểu gì không?" vẫn là một thói quen khó bỏ do mặc cảm "mình làm không đủ tốt" từ bạn sao Thổ. Và, feedback thì luôn luôn là "Chi dạy hay lắm, rất có tâm".

Đó, vậy mới biết, sao Thổ mang lại cho người ta cảm giác bi quan cực kì, mặc cảm cực kì, nhưng nếu vượt qua được cảm giác đó thì trái ngọt lịm sẽ đến, thành công đến chậm nhưng thực sự rất chắc chắn.

ĐI XA

Nhà 9 cũng cai quản các chuyến đi xa: đi chơi xa, đi học xa, xuất ngoại...

Bản thân không phải không đủ khả năng về đầu óc hay không có ý định đi du học, nhưng trước khi nghĩ đến chuyện học gì và vi vu trời tây, thì Sao Thổ nhà 9 đã lên tiếng rồi. Bạn ý lo lắng không biết sang bển sẽ học thế nào, có thích nghi được với lối sống và văn hóa hay không, có làm thân kết bạn được với ai không, có bị cô đơn không, có nhớ nhà không... Trăm ngàn nỗi lo ập đến trước khi bản thân nghiêm túc với ý định này, nên lại thôi không nghĩ đến nữa.

Cái này không trách hay đổ lỗi riêng bạn Thổ tinh được. Sao Thổ tạo góc cứng với Sao Hỏa (đối đỉnh) và cặp trùng tụ Sao Diêm Vương ft. Sao Mộc (vuông góc). Các hành tinh này xuất sắc tạo ra 2 bạn T-square đỏ chót rất đẹp trong bản đồ sao của mình. Đọc ở đâu đó, nếu Sao Thổ tạo góc cứng với Sao Hỏa hoặc Sao Diêm Vương, cần xem xét kĩ về việc mình có phù hợp với văn hóa của họ, có phù hợp với lối sống ở vùng đất mới hay không. Cũng đúng! Trước những quyết định đi ở quan trọng như thế này, mình vẫn rất cẩn trọng và suy nghĩ rất nhiều.

Đó, vậy mới biết, sao Thổ mang lại cho người ta cảm giác bi quan cực kì, mặc cảm cực kì. Bạn sao Thổ nhắc nhở chúng ta không sống ẩu, sống vội, cần phải sống và làm việc nghiêm túc, suy nghĩ chín chắn để không làm ảnh hưởng tới bản thân và hình ảnh xã hội của mình. 

SAU TẤT CẢ, SAO THỔ THỰC RA VẪN RẤT ĐÁNG YÊU.

Sao Thổ - chòm sao mặc cảm, bi quan, luật lệ nghiêm khắc, lại vừa hay nằm chềnh ềnh ở nhà 9 - nhà của Nhân Mã và Sao Mộc - nhà của sự vui tươi, lạc quan, khuếch đại mở rộng. Cảm giác cứ thấy sai sai như thế nào đó ghép "Sao Thổ" với "nhà 9" vậy. Cảm giác trong những lĩnh vực cần "mở rộng" thì sẽ cần "đặt giới hạn", những lĩnh vực cần "tin tưởng lạc quan vô điều kiện" thì sẽ cần "đặt giả thuyết bi quan có điều kiện".

Tréo ngoe nhỉ, nhưng mà sao Thổ đặt tại nhà của sự mở rộng cả về kiến thức lẫn địa lý, thì kiến thức và địa lý đó vẫn sẽ phải được mở rộng mà thôi. Chẳng qua, sự mở rộng đó sẽ cần nỗ lực rất nhiều. "Dục tốc bất đạt" và "mưa dầm thấm lâu" là 2 câu tục ngữ khá chính xác với Sao Thổ. Cứ từ từ học rồi sẽ thành tài, cứ nỗ lực góp nhặt ắt sẽ thành công. Cứ mỗi lần cuống lên là kiểu gì cũng hỏng bét chẳng ra sao cả.

Thử thách và trái ngọt mà sao Thổ mang đến, cũng giống như chiếc bánh gato vậy. Bạn phải đủ kiên nhẫn để tách chính xác lòng trắng ra khỏi lòng đỏ, đủ tinh tế để đánh lòng trắng lòng đỏ không bị tách nước. Lại nữa, để có một chiếc bánh gato nở đều không thắt eo, không xẹp, thì nhiệt độ lò và thời gian nướng bánh phải đủ. Nếu ham nhanh, chỉ cần tăng nhiệt độ quá lên, thì bánh sẽ chẳng kịp chín, nhanh xẹp thắt eo, mà có khi còn bị cháy, bị tanh. Thành phầm chẳng ra sao cả.

Sao Thổ, đáng yêu như một chiếc bánh gato vậy. Bạn có biết đúng cách để vượt qua các thử thách, làm ra một chiếc bánh gato thật ngon không?



Hôm nay nghe được bài này, thấy hay quá 
nên nhét luôn vào bài viết này :">
Niệm khúc cuối - Tuấn Ngọc

Continue reading