Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

BÌNH ĐẲNG và CÔNG BẰNG

Theo thứ tự từ trái sang phải: Thiên Bình - trái tim - Bảo Bình
Có người anh post group, nêu vấn đề về công bằng và bình đẳng. Anh bảo, người ta vẫn hay dùng lẫn lộn sai nghĩa hai từ này, cần làm rõ.

Bản thân bất ngờ vì câu hỏi của người anh, trước giờ không thấy bản thân lẫn lộn giữa những khái niệm này. Cũng không nghĩ 2 khái niệm này sẽ dễ bị nhầm lẫn. Chắc hai khái niệm này có lớp nghĩa gì đó khác mà mình chưa sâu sắc để hiểu. Hoặc, mình học tiếng Việt cũng không giỏi lắm.

Search Google

Ban nãy, thử gõ "công bằng là gì" và "bình đẳng là gì", thì trên wiki ra như thế này:
  • Công bằng: (danh từ) dùng để chỉ cái gì đó hợp lý, không bất công. Thường thì những điều gì công bằng thì đúng. Từ đồng nghĩa là "hợp lý" và "đúng"
  • Bình đẳng: (danh từ) "bình" là đều nhau, "đẳng" là thứ bậc. Bình đẳng là ngang hàng nhau về quyền lợi, địa vị

Search thêm thì mới nhớ ra, câu này trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Bác Hồ trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Rõ ràng, trong các khái niệm cơ bản cũng đã thấy "bình đẳng" và "công bằng" vốn là hai khái niệm khác nhau rồi. Bình đẳng thuần túy mang nghĩa ngang nhau, còn công bằng mang thêm nét nghĩa về quan điểm đúng-sai hợp lý nữa.

Trong triết học, bình đẳng là khái niệm mà chủ nghĩa tư bản hay dùng, công bằng là khái niệm mà chủ nghĩa cộng sản hay dùng. Điều đó càng chứng tỏ, 2 từ này ngữ nghĩa khác nhau, cách dùng khác nhau. Và mình cũng không hiểu sao lại có sự lẫn lộn sai nghĩa giữa 2 từ này cả.

Quan điểm của Chi

Sáng nay trên đường đi làm nghĩ ra liên tưởng khá thú vị, nên lôi lên và lại viết, đọc kĩ lại xem rốt cuộc người anh muốn nói ẩn ý gì.

Lấy bối cảnh của một ngôi trường trung học.

Đồng phục mùa đông, đồng phục mùa hè, đồng phục thể dục được yêu cầu học sinh bắt buộc phải mua là thể hiện của sự bình đẳng. Ý nghĩa của đồng phục, không chỉ là "gò ép theo khuôn khổ", mà còn mang nghĩa đặt mọi học sinh đến trường ngang bằng nhau. Không quan tâm ở gần hay xa trường, nhà nghèo hay giàu, học dốt hay giỏi, các em học sinh một khi bước chân vào cổng trường thì sẽ ngang hàng như nhau, địa vị ngang như nhau, xuất phát điểm như nhau. Các em sẽ được các thầy cô truyền dạy đúng chất và đủ lượng kiến thức, cũng như được hưởng mọi chế độ, quyền lợi và trách nhiệm là như nhau. Đấy là ý nghĩa của đồng phục và sự bình đẳng. Đấy là quyền bình đẳng mà các em được nhận.
Đồng phục của mấy bạn này đẹp chưa :">

Còn chuyện điểm số phản ánh đúng học lực của học sinh, nó thể hiện sự công bằng (tất nhiên, bỏ qua đủ thể loại gian lận). Mình có 2 góc nhìn. Thứ nhất, khi các em học sinh nhận được sự giáo dục như nhau, em nào khả năng tiếp thu và thái độ học tập tốt hơn sẽ đặt điểm số cao hơn. Đó là sự công bằng. Thứ hai, học sinh nào có học lực tốt hơn thì sẽ được tiếp cận những bài nâng cao hơn. Đó cũng là sự công bằng. Trong trường hợp này, nếu áp dụng "bình đẳng" vào, thì chắc chắn sẽ xảy ra một trường hợp gọi là cào bằng. 

Lên đại học có một trò rất hay mang tên "bài tập nhóm". Bình đẳng, công bằng, cào bằng là 3 khái niệm xuất hiện rõ nét trong hoạt động này. Thầy cô coi các bạn trong nhóm như nhau, bạn nào hỏi cũng sẽ trả lời thắc mắc, như vậy là bình đẳng. Nhóm trưởng nhìn được năng lực từng bạn, phân công hợp lý, như vậy là công bằng. Khi có kết quả của bài tập nhóm, có 2 trường hợp: nhóm trưởng chia điểm theo đóng góp của thành viên là công bằng, còn nhóm trưởng chia đều điểm bình đẳng chứ không quan tâm đến sự đóng góp là cào bằng. Mình thì không khuyến khích áp dụng sự bình đẳng những lúc kết thúc và đưa ra quyết định, vì sự bình đẳng áp dụng lúc đó, sẽ khiến mọi thứ biến thành "cào bằng". Mà cào bằng thì không vui!

Thế nên, theo quan điểm của Chi, người ta không nhầm lẫn giữa công bằng và bình đẳng, người ta chỉ cố tình hoặc vô ý dùng sai nó để đạt được mục đích nào đó.

Bình đẳng và công bằng mâu thuẫn không?

Câu trả lời là không hề!!!
Ảnh này kute dễ sợ :">

Xét dưới góc độ chiêm tinh, bình đẳng là key của Bảo Bình, công bằng là key của Thiên Bình. Cả 2 bạn Bình này đều là cung khí, cùng nguyên tố, tạo với nhau 1 góc 120 độ. Độ hợp dơ của 2 bạn là rất cao, cùng mục tiêu, mục đích, cách thức làm khác nhau thôi. Rõ ràng, khái niệm bình đẳng hay công bằng, sinh ra đều nhằm mục đích đưa ra được những chuẩn mực cư xử hợp lý nhất với một mối quan hệ, tổ chức hay xã hội nào đó. Bình đẳng không nhằm mục đích khiến người ta ức chế vì không được công nhận, còn công bằng cũng không sinh ra để người ta cảm thấy thua kém thiệt hơn. 

Xét dưới góc độ không chiêm tinh, thì bình đẳng và công bằng cùng tồn tại trong một quá trình, và chúng không mâu thuẫn với nhau. Như ví dụ ở trên, rõ ràng khi bắt đầu, học sinh cần được hưởng sự bình đẳng, sau quá trình học tập và rèn luyện thì sẽ được hưởng sự công bằng. Nếu đổi ngược lại, hưởng sự công bằng trước, bình đẳng sau, sẽ tạo ra sự cào bằng không đáng có. Sự bình đẳng để ở đoạn cuối của quá trình không chỉ tạo ra hiện tượng cào bằng, mà còn gây ức chế cho những người trong cuộc. Bởi, nỗ lực và mọi thứ họ làm trong cả quá trình, dù tốt hay xấu đều tạo ra kết quả như vậy. Lâu dần, việc này sẽ làm thui chột sự cố gắng, nhiệt huyết, động lực của họ.

Một người đã nỗ lực hết mực nhưng cuối cùng lại bị đánh đồng với người chẳng làm gì, chắc chắn sẽ thấy khó chịu. Người ta khó chịu không phải vì cảm thấy bình đẳng và công bằng mâu thuẫn. Người ta khó chịu vì tổ chức (hoặc người) đánh giá kia, không sử dụng công bằng mà nhắm mắt sử dụng bình đẳng cho giai đoạn cuối này. Ngược lại, một người không nỗ lực gì cả, tất nhiên sẽ khó chịu nếu tổ chức (hoặc người) đánh giá sử dung công bằng thay vì bình đẳng vào giai đoạn này. Vì rõ ràng, nếu sử dụng bình đẳng vào giai đoạn này, người không nỗ lực được cào bằng như người có nỗ lực, có lợi hơn chứ!

Thế nên, theo quan điểm của Chi, bình đẳng và công bằng không mâu thuẫn với nhau, và người ta cũng không khó chịu hay nghĩ rằng đây là hai khái niệm mâu thuẫn. Người ta khó chịu vì cái được sử dụng không phải cái người ta muốn

Rút ra được điều gì?

Trong các hoạt động cộng đồng, hội nhóm (như nhà trường là một ví dụ), nếu chỉ có bình đẳng thì sớm hay muộn cũng sẽ đổ sụp. Những người có cùng chung 1 cái gì đó khi tập hợp với nhau tạo ra 1 cộng đồng, tổ chức, hội nhóm. Nhưng cá nhân với cái "cùng chung" đó thì mỗi người lại một khác. Với một vài người, cái "cùng chung" đó là gốc rễ vấn đề của họ. Nhưng với một vài người khác, cái "cùng chung" đó không phải là gốc rễ vấn đề của họ.
Tìm được bạn ảnh lồng ghép đáng yêu không chịu nổi <3
Thế nên, không thể nói rằng chỉ cần "bình đẳng" mà có thể giữ được một tổ chức bền lâu được. Gây dựng hội nhóm, cộng đồng, đều cần cả bình đẳng và công bằng. Bình đẳng coi mọi người là như nhau, để ai cũng được tiếp xúc với những cái chung như nhau. Nhưng đấy là giai đoạn đầu! Ở giai đoạn tiếp theo, khi mà mỗi người đã có những nhận định, đóng góp, suy nghĩ và sự phát triển bản thân riêng, thì không thể đánh giá hay chỉ áp dụng "bình đẳng" được (vì như đã nói, nó sẽ biến thành cào bằng). Lúc này cần sự công bằng. Công bằng xuất hiện trong giai đoạn này thể hiện rằng tổ chức, hội nhóm, cộng đồng đó có sự phát triển. 

Mình nghĩ, cứ dính dáng đến Bảo Bình, đều cần có sự phát triển theo hướng tích cực, cấp tiến ở trong đó. Bảo Bình phá luật không phải là để chơi trội, Bảo Bình phá luật là để làm cho cộng đồng phát triển hơn. Bảo Bình suy nghĩ nhìn xa trông rộng, là để cộng đồng tiếp cận với những tri thức cấp tiến hơn. Cộng đồng của Bảo Bình không phải là cộng đồng dậm chân tại chỗ. Cộng đồng của Bảo Bình là cộng đồng có sự tiến bộ và phát triển. Nếu chỉ mãi "bình đẳng", không có sự công bằng để phát triển, thì cũng chưa chắc đã là cộng đồng mà nhà 11 cai quản, mong muốn.

Bảo Bình - Thiên Bình hay nhà 11 - nhà 7 về cơ bản không tạo góc cứng, chúng trao đổi năng lượng theo kiểu nhẹ nhàng, tự nhiên và đáng yêu.

Bình đẳng và công bằng, về cơ bản không mâu thuẫn với nhau, chúng bổ trợ cho nhau, tạo thành cặp đôi hoàn hảo của cuộc sống.

À, đấy là quan điểm của Chi, quan điểm thì không có đúng có sai...
Share:

4 nhận xét: