Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Chuyện học tập, cần lắm nhiều đam mê!

Ở thời đại 4.0, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, học gì và học như thế nào là điều cả xã hội quan tâm. Kiến thức nhân loại thay đổi từng ngày, thông tin xã hội được cập nhật từng giờ qua những tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là các nền tảng online. Chỉ cần không cập nhật thường xuyên luồng tri thức khổng lồ đó, việc “tiến hoá ngược” trở thành “người tối cổ” là điều hiển nhiên sẽ xảy ra.
Càng nhiều kiến thức, càng hiểu biết rộng, sẽ càng có nhiều cơ hội để phát triển bản thân và tồn tại trong thời buổi công nghệ số. Suy nghĩ này không sai. Nhưng chính vì thế, ngày nay, nhiều phụ huynh suy nghĩ rằng cần phải “nhồi nhét” thật nhiều kiến thức vào đầu con trẻ, như vậy mới có thể chuẩn bị thật tốt để bé bước vào đời. Những chiếc cặp sách nặng đến 5kg chỉ toàn sách vở, “chạy xô” đến lớp học thêm thầy A, lớp phụ đạo cô B... là hiện trạng đã và đang diễn ra trong ngành giáo dục. Dần dà, câu chuyện biến tướng thành điểm số, thành tích, những áp lực vô hình, rằng “con phải được điểm cao”, “con phải xếp thứ nhất”... vô tình được đặt lên vai của những đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu rõ cuộc đời. Tiêu cực trong ngành giáo dục cũng một phần từ đây mà ra. Thiết nghĩ, trẻ con ngây thơ trong sáng như những tờ giấy trắng, trong tâm tưởng làm gì đã có những suy nghĩ dối gian? Chẳng qua, do môi trường, do người lớn có tác động vào, mới hình thành nên những suy nghĩ, hành động gian xảo (như quay cóp) mà thôi.
Nhìn những em bé, mà xã hội và truyền thông vẫn hay dùng những từ hoa mĩ như “mầm non của đất nước”, “tương lai của xã hội” đang phải oằn mình lên mang những chiếc cặp to gấp rưỡi người, tất tưởi chạy hết lớp này đến lò kia để học, sao tôi thấy việc học trong thời đại phát triển này khổ quá! Đôi khi tôi nghĩ, rốt cuộc, mình cần học để làm gì, trẻ con thì cần học để làm gì nhỉ? Học để đạt được điểm cao về khoe với bố mẹ? Học để trở thành “con nhà người ta” trong mắt những người lớn xung quanh? Học để được khen, để có thành tích? Hay, học chỉ là để chinh phục những kiến thức mới? Dù có học ngày học đêm, học vì điều gì đi chăng nữa, cái cuối cùng mà sự học mang lại được cho một con người, chính là áp dụng được kiến thức vào thực tế. Tôi vẫn luôn quan điểm rằng, một đứa trẻ sau khi học tập và rèn luyện, cần phải có được khả năng nhìn nhận - đánh giá vấn đề trên quan điểm của chúng, biết cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp. Vì suy cho cùng, sau 12 năm học phổ thông, cái các em cần không phải là thi đỗ vào đại học, mà lựa chọn được cho mình hướng đi trong tương lai. Và rồi sau 4,5 năm ngồi trong giảng đường đại học, các em hiểu phải được đoạn đường tiếp theo nên bước đi như thế nào.
Kiến thức 12 năm phổ thông hay kiến thức 4 năm đại học, suy cho cùng cũng vẫn để phục vụ cho cuộc sống sau này. Học toán là học tư duy logic, để biết cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống triệt để. Những tích phân, đạo hàm đó không phải được học để đi thi điểm cao, mà là để biết rằng có thể áp dụng được nó rất nhiều vào công nghệ số, kỹ thuật, AI... Học Vật lý, Hoá học không phải để cân bằng phương trình, để tính vận tốc gia tốc, mà là để giải thích được các hiện tượng xung quanh, để hiểu được nên ăn gì với nhau để không bị ngộ độc. Học Văn học không phải là để làm đúng luyện từ và câu, chép văn mẫu 10 bài giống nhau y hệt, mà học văn học là để biết cách ăn nói, diễn đạt suy nghĩ của mình cho người khác hiểu. Kiến thức chẳng quá cao siêu, kiến thức sinh ra cũng chỉ để phục vụ cho mục đích của con người, nhưng dường như, người ta quên mất tính ứng dụng của nó, mà chỉ chăm chăm nhồi nhét lý thuyết vào đầu con trẻ.
Học tập theo kiểu “nhồi nhét” là “xưa như Diễm” rồi. Điều cần làm không phải là đưa vào đầu trẻ con một lượng kiến thức đồ sộ, mà phải giúp các bé có được phương pháp và tư duy học tập. Tôi từng nhớ đọc được ở đâu đó, câu chuyện về một người đàn ông nghèo khổ không có gì để ăn. Tuần đầu tiên có người mang cá đến, nhưng cá ăn mãi rồi cũng hết, người đàn ông lại đói. Tuần tiếp theo có người mang cần câu đến, người đàn ông loay hoay đã tự câu được cá, nhưng cả tuần mãi mới được một con. Sau cùng, có một người lạ mặt đi qua, dạy cho người đàn ông cách câu cá. Bài học từ câu chuyện này ắt nhiều người biết, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại: cái mà ai cũng cần, không phải là con cá ngay trước mặt, cũng không chỉ là cần câu, mà là cách để câu cá - là phương pháp. Khi có phương pháp và tư duy rồi, thì không kiến thức nào là không thể chinh phục hay trở nên khó nhằn cả.
Trong giai đoạn có quá nhiều kiến thức du nhập, thì đưa cho con trẻ phương pháp học, đồng thời khơi dậy niềm đam mê và khả năng tự học là điều cần phải làm. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi phản bác hay không ủng hộ việc học kiến thức. Những kiến thức đơn thuần, cơ bản, thể hiện bản chất, trẻ con vẫn phải học. Kiến thức nâng cao các con nên học, nếu thích. Nhưng giáo dục nên đưa vào nhiều hơn những ứng dụng thực tế, ứng dụng cơ bản của kiến thức, để học sinh mường tượng được mình học kiến thức này để làm gì, để phục vụ điều gì cho tương lai. Thay vì chỉ dạy về kiến thức, hãy dạy cho học sinh cách áp dụng kiến thức, tạo cho bé niềm vui thích khi học, dạy cho bé phương pháp để tự học những thứ tương tự.
Và giáo dục cũng không chỉ là câu chuyện dạy kiến thức, mà còn là câu chuyện dạy làm người. Các cụ có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Dạy làm người là câu chuyện phải dạy trước khi dạy kiến thức. Tôi tin rằng khi giáo viên hành xử một cách rất nhân văn với học sinh, khi bố mẹ không đặt nặng áp lực về điểm số, thành tích, thi cử cho con, thì học sinh sẽ được phát huy hết những tiềm năng của mình. một đứa trẻ khi đến trường được dạy phép lịch sự, sự lễ phép, lòng nhân ái, và đặc biệt hơn, khi chúng nhìn thấy những người xung quanh, cô giáo, thầy giáo đều hành động như những gì được dạy, thì chúng có xu hướng sẽ hành động như vậy. Khi việc học không còn là những áp lực từ phía bố mẹ hay nhà trường, khi việc học không còn là cuộc đua thành tích, thì việc học sẽ là sự đam mê, là niềm hạnh phúc khi được khám phá những kiến thức mới, trải nghiệm mới, văn hóa mới. Phải hiểu, khi đứa trẻ được tôn trọng, được lắng nghe, được quyền nói ra những quan điểm của mình, đứa trẻ đó sẽ tự tin thể hiện bản thân và có những hành xử đúng đắn.

Đừng sợ rằng làm như vậy sẽ không kiểm soát được hành vi, suy nghĩ của đứa trẻ. Xã hội ngày một phát triển, các bậc làm cha làm mẹ cần hiểu rằng mỗi đứa trẻ có một suy nghĩ một cá tính riêng, và đôi khi cá tính đó không giống với cá tính, suy nghĩ của cha mẹ. Và một đứa trẻ cần được sống và phát triển như những gì nó vốn là, chứ không phải cứ mãi sống trong sự bao bọc, kiểm soát của cha mẹ. Rồi cha mẹ sẽ già già, Những đứa trẻ sẽ lớn, chúng ta chẳng mãi bên cạnh để kiểm soát những đứa con của mình được. Thế thì sao không cho con phương pháp, cho con niềm hứng khởi, đam mê, nhiệt huyết và cả sự tự tin để giúp con vững bước hơn trên đường đời sau này?
----------------------------------------------------------------
Thực ra, bài này viết để đăng báo, nhưng trong trường hợp không được đăng báo hoặc bị chỉnh sửa quá đà, thì 100% là sẽ tự gửi bài này lên báo nào đó chịu đăng :">
Kikyo chưa từng hiền :"> 

Continue reading