Đâu phải cứ ảnh mưa gió nước mắt thì là ảnh buồn đâu, nhỉ? |
Cơ thể mỗi người có một số điểm nhạy cảm nhất định, và điểm nhạy cảm của mỗi người là một vị trí khác nhau. Quá khứ mỗi người có một số đoạn nhạy cảm nhất định không muốn nhắc lại, và là một khoảng thời gian khác nhau.
Cuộc sống mỗi người có một (vài) cái tên nhất định không muốn nhắc đến, và là một (vài) cái tên khác nhau.
Bản thân rất dễ bị tổn thương bởi nhiều thứ dù là nhỏ nhất, chắc do hay gán cảm xúc vào mọi hành động của người khác. Nhưng những tổn thương kiểu đó thực ra cũng chẳng phải tổn thương, nếu biết dùng lý trí một chút thì vài giây sau chắc chắn sẽ bình thường, thậm chí còn quên luôn. Bản thân hiểu rõ điều đó. Nói là dễ dỗi, chứ thật ra nào có dễ giận dỗi vu vơ đâu? (AC Cự Giải phiên bản lỗi, chưa kịp dỗi đã quên rồi).
Thế nhưng, có một vài chuyện thì bản thân thực sự bị tổn thương sâu sắc.
Cuộc đời mỗi người có một vài từ không muốn nghe thấy, vì nghe thấy người khác nói vậy về mình chắc chắn sẽ tổn thương sâu sắc. Mình gọi đó là những từ cấm kị, vì bản thân chẳng muốn làm người khác tổn thương vì những từ ngữ đó.
Mình cũng có một vài (cụm) từ như thế. Có thể nó đúng hoặc sai, có thể nó thể hiện rõ bản chất và mình thì không chấp nhận. Cũng có thể nó chẳng thể hiện gì cả, nhưng thiên hạ vẫn cứ gán cho mình như vậy.
Có 3 cụm từ mà mỗi lần nghe thấy, bản thân mình đều khựng lại một chút: “tính cách trẻ con”, “sống không thật”, “sử dụng tốt mối quan hệ”.
Vừa mới vài chục phút trước được trải nghiệm cảm giác hoá ra mình bản chất không có gì, việc được giao hoàn thành tốt là do biết cách mượn sức người này người kia. Ting ting, chạm đến từ cấm kị rồi! Đã không tự tin thì chớ, lại thêm cảm giác bản thân chỉ là một chiếc thùng rỗng (còn không biết kêu có to không hay lại còn chẳng kêu được), quả thật mình đã suy nghĩ: mày lại vô dụng rồi! Yếu đuối quá, nãy giờ nằm thút thít khóc.
Còn, những lúc tâm trạng không ổn mà lại chẳng có thời gian chữa lành tận gốc, thì mình vẫn thường hay lờ tạm nó đi, tập trung vào vấn đề khác để cách ly nguồn bệnh, chữa trị tính sau. Bởi vì, dù có không ổn như thế nào thì cũng vẫn phải hoàn thành những việc cần làm khác mà, đúng không? Ví dụ như nằm mơ đến viễn cảnh mình có người yêu chẳng hạn.
Chẳng ai thích một cô gái tiêu cực cả. Nhưng nếu cô gái đó ngay sau giây phút tiêu cực, luôn nghĩ ra được hướng đi tích cực, và luôn giữ điểm sáng đó trong cả bức tranh tối màu, thì có được không? Đọc thì nhiều nhưng đâu phải cái gì cũng đưa hashtag #trichodaudo vào đâu.
Buồn và tiêu cực thì là sai lắm à, phải không?
--------------------------------------------------------------
Những dòng trên viết từ rất rất lâu rồi, cũng phải tầm 4,5 tháng trước gì đó. Nội dung thì chẳng có chút liên quan nào đến tiêu đề của bài cả. Thực ra bản thân quá lười để nghĩ hay đu theo cảm xúc ngày đó. Nhưng đi qua một mùa Mer Retro, bỗng bị ám ảnh chuyện, mọi thứ chưa ra ngô ra khoai thì vẫn muốn làm rõ nó.
--------------------------------------------------------------
Buồn và tiêu cực thì là sai lắm à? Phải không?
Những lúc down mood hay bật chế độ tiêu cực, bình thường mọi người hay bảo "vui lên", "đừng buồn nữa", "đời tươi sáng lắm" hoặc những câu tương tự.
Nếu theo những gì mình học được từ lớp phân tâm, thì những lời đó dường như vô nghĩa hết. Về cơ bản, khi người ta đang down mood hay buồn bã, thì có 2 cách: hoặc là để im để người ta buồn, hoặc là đẩy người ta đến tột cùng của sự đau buồn. Bởi vì, khi đã thực sự xuống đến đáy, thì chẳng thể xuống được nữa, mà sẽ phải đi lên mà thôi. Còn nếu vẫn còn xuống được thêm nữa, nghĩa là chưa phải xuống đáy. Mình nghĩ, nếu đang buồn vì chuyện gì đó, mà không được buồn đến mức max (là điểm thấp nhất trong biểu đồ hình sin nếu chiều dương là max vui), thì có nghĩa là vấn đề đó vẫn chưa được giải quyết. Cái gì chưa được giải quyết, sớm hay muộn cũng sẽ quay lại và tấn công lại mình.
Mặt khác, nếu theo góc độ chiêm tinh, thì việc có cảm xúc buồn, suy nghĩ tiêu cực, chỉ là biểu hiện nào đó của một cái gốc nào đó. Thêm 1 chút kiến thức về thiền nữa, thì thay vì phán xét đúng sai về cảm xúc, thà rằng quan sát để biết cái gốc rễ là gì mà điều chỉnh phù hợp, có khi còn tốt hơn. Chưa kể, để da mặt đẹp thì cần phải biết sử dụng nỗi buồn đúng cách nữa.
Thế thì, buồn và tiêu cực thì là sai lắm à? Phải không?
Không nhé! Buồn và tiêu cực là nét tính cách, là điểm cảm xúc mà con người ai cũng cần phải có. Nếu buồn và tiêu cực là sai lắm, thì chỉ vui và chỉ tích cực cũng là rất sai, thậm chí những người như vậy còn có nhiều vấn đề hơn bình thường nữa. Nếu đã từng xem "Inside Out", bạn hẳn sẽ thấy sự quan trọng của nỗi buồn trong cảm xúc là như thế nào. Hạnh phúc hay kí ức chẳng phải chỉ được tạo nên bởi những sự hạnh phúc hay vui vẻ, mà còn có phần của nỗi buồn nữa. Khoảnh khắc mà Joy trong phim nhận ra, đằng sau những kí ức vui vẻ của cô bé Riley đều có một câu chuyện buồn nào đó, là khoảnh khắc mình ấn tượng nhất trong phim. Rõ ràng, có thể lúc đầu kí ức đó là kí ức buồn, nhưng sau đó, mọi thứ có thể sẽ vui lên và trở thành kí ức hạnh phúc, nhờ những tác động xung quanh. Và nếu không có những mảng chuyện buồn đó, thì lấy đâu ra những khoảnh khắc vui vẻ hạnh phúc đằng sau?
Khi gặp một người đang buồn, đang tiêu cực, mà vẫn cứ mãi buồn, mãi tiêu cực, thì chỉ đơn giản là họ chưa "chạm đáy nỗi đau" thôi. Mỗi người, mỗi giai đoạn sẽ có những niềm vui cần trải qua, những nỗi buồn cần gặm nhấm, và chẳng ai giống ai cả. Họ chưa chạm được điểm cực đại của cảm xúc, thì họ vẫn cứ sẽ lao theo những cảm giác đó thôi. Nếu bạn thực sự quan tâm tới họ, điều cần làm chỉ là cho họ biết rằng bạn luôn ở bên cạnh họ lúc họ buồn và buồn nhất mà thôi, như thế là quá đủ với họ rồi. Nếu rảnh hơn, bạn có thể đi theo họ suốt nỗi buồn đó, nhẹ nhàng (thật nhẹ nhàng) đẩy họ xuống đáy để họ có thể đi lên.
Lâu lâu cũng có người bảo rằng, facebook mình tiêu cực quá, tranh mình vẽ buồn quá, đừng như vậy, người ta nhìn vào sẽ chẳng muốn tìm hiểu, chẳng muốn tiến tới nữa. Bớt nhảm bớt nhạt, xây dựng phong cách hình ảnh, người lớn lên blah blah blah này kia. Tất nhiên là mình nghe không hợp tai rồi. Làm sao bắt Venus Bọ Cạp nhà 5 bớt trẻ con, bớt bùng cháy, bớt cực đoan được chứ? Mà chính ra là, nó đã thuộc về bản chất và chảy trong máu của bản thân rồi, thì làm sao bắt mình biến thành một người khác được chứ? Cảm xúc này, tiêu cực này, nỗi buồn này, sự cực đoan này là một phần cấu tạo nên bản thân mình rồi, nếu cứ ép bản thân biến thành một con người khác cho vừa lòng thiên hạ, thì chẳng khác gì vì thị trường đang chuộng xoài mà ép hạt táo trở thành quả xoài cả. Nó sẽ có mùi vị kinh khủng và hình dạng kinh dị, chẳng ra đâu vào đâu cả (theo ngôn ngữ chiêm tinh, thì khi cảm xúc của bạn thân tạo góc cứng với quan điểm góc nhìn của cả một thế hệ, thì dễ bị như vậy...)
Thế nên, dù cho có thế nào thì bản thân vẫn sẽ phải buồn và tiêu cực, và nó chẳng có gì là sai cả.
---------------------------------------------------------------------
Đoạn đầu 100% lạc đề, đoạn sau thì 100% không hiểu là viết cái gì...
~ #kikyo ~ Viết khi những ngày gió mùa về, đau dạ dày quay trở lại, và biết chắc rằng, sắp tự nhiên buồn rồi...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét