Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

SỰ ĐỒNG DẠNG

AC Cự Giải chỉ là đồng dạng Moon H1 thôi,
chứ không phải là Moon H1.
Những suy nghĩ này được nhen nhóm vào một ngày mùa đông, khi mà cô gái dọn nhà cùng bố. Cô gái thì vui tươi, mồm líu lo ca hát vui vẻ dọn dẹp, còn bố cô gái thì lại làu bàu. Cô gái bỗng suy nghĩ: tại sao cùng có năng lượng Xử Nữ mạnh mà biểu hiện lại khác nhau đến thế nhỉ. Thế là, những dòng phía dưới được ra đời.

Thế nào là đồng dạng? Trong toán học, có một khái niệm là "tam giác đồng dạng". Khái niệm này được phát biểu là: 2 tam giác được gọi là đồng dạng với nhau, nếu có các góc tương ứng bằng nhau và các cạnh tương ứng tỉ lệ. Có nghĩa là, 2 tam giác có cùng (đồng) hình dạng (dạng) thì gọi là đồng dạng.

Đúng thế, đồng dạng nghĩa là cùng hình dạng. Nhưng mà tam giác A đồng dạng với tam giác B, thì tất cả chỉ dừng lại ở đồng dạng thôi. Cùng về hình dạng, chứ những yếu tố khác, thì chưa chắc. 

Trong toán học, cũng có một khái niệm, mà các học sinh được học trước khi học đến khái niệm "đồng dạng", đó là "bằng nhau". Hai tam giác bằng nhau được định nghĩa là hai tam giác có các góc bằng nhau và các cạnh đối đỉnh tương ứng cũng bằng nhau. Hiểu nôm na, 2 tam giác bằng nhau là 2 tam giác có thể đặt trùng khít lên nhau. Khi đó, mọi thứ của chúng bằng nhau: diện tích, chiều cao hạ từ đỉnh, rồi độ dài các tia, đường... 

Thực ra, trong cuộc sống cũng vậy. Cũng có những thứ chỉ dừng lại ở mức "đồng dạng", có những thứ lại đi xa hơn đến mức "bằng nhau".

Đồng dạng nghe có vẻ chuyên môn quá, chứ ở trong đời sống thực tế, theo mình, từ mà người ta hay dùng, đó là "na ná". Cái na ná nó là những cái thoạt nhìn thấy giống, nhưng sau một hồi lại chẳng thấy giống gì cả. Mọi thứ trông vậy mà không phải vậy. Cứ tưởng rằng đó chính là vật mình cần tìm, thứ mình muốn giữ, nhưng sau một hồi mần mò say mê, lại phát hiện ra đấy chẳng phải là thứ mình cần hay điều mình muốn, mà chỉ là những thứ na ná như vậy. Đó là mấy thứ đồng dạng. Còn một khi đã "bằng nhau", đã giống, thì chắc chắn đó chính là thứ mình muốn, và sẽ chẳng có ai băn khoăn về điều đó cả.

Này, bạn đọc, đã bao giờ bạn từng suy nghĩ, là tại sao mình phải học về tam giác bằng nhau, trước khi học về tam giác đồng dạng chưa? Sao những thầy cô giáo soạn sách, không đưa kiến thức về "sự na ná" (tạm gọi vậy) lên trước, rồi mới dạy về sự giống nhau ở sau? Mình thì không nghiên cứu quá sâu về toán học, kiến thức chỉ ở mức đủ để đi dạy lại gia sư toán thôi. Nhưng mình nghĩ, sự sắp xếp này, ngoài chuyện hợp lý về mặt chuyên môn, thì cũng có những ý nghĩa nhất định ở trong đó. Nếu coi 1 đứa trẻ cắp sách tới trường như 1 linh hồn đi tìm hiểu cuộc sống, thì rõ ràng, nó cần biết những thứ trực quan sinh động, giống với nó và giống với những thứ khác trước. Nó cần biết những thứ giống nhau, để chỉ mặt gọi tên, để biết và nhận diện được trước. Sau khi biết được những thứ cơ bản đó rồi, nó mới mở rộng và phát triển được lên những thứ na ná hơn, nâng cao hơn, ấy là sự đồng dạng. Sự đồng dạng, với mình, là một tệp rộng hơn sự giống nhau, điểm chung vẫn có nhưng sẽ ít hơn, không chi tiết bằng.

Bây giờ xét tiếp trên khía cạnh chiêm tinh, bỗng mình nghĩ ra vài thứ. 

Trong chiêm tinh học, có khái niệm "đồng dạng". Ví dụ: mình có Mặt trời ở Nhà 6 thì Mặt trời của mình cũng đồng dạng Mặt trời Xử Nữ (Nhà 6 là của XN, đồng dạng năng lượng); Mặt trời của mình tạo góc với Mặt trăng thì Mặt trời của mình cũng đồng dạng Mặt trời Cự Giải (Mặt trăng là chủ tinh của Cự Giải). Thế thì nói đi nói lại 1 hồi, ngoài chuyện mình có Mặt trời là Ma Kết, thì mình còn có 2 ông Mặt trời nữa là Xử Nữ và Cự Giải. Đúng, điều này không sai. Sự thật là tính Xử Nữ và Cự Giải của mình đều khá mạnh, có khi còn làm lu mờ luôn bản gốc Ma Kết của mình. Nhưng, ngoài Mặt trời Ma Kết ra, thì tất cả những cái còn lại, đều chỉ là na ná.

Đúng là mình rất thích đi vào chi tiết, làm mọi thứ cẩn thận để ra được kết quả hoàn hảo nhất. Nhưng biểu hiện đó chỉ là na ná, chứ chẳng thể tỉ mỉ mọi ngóc ngách và luôn chỉnh sửa mọi thứ như các bạn Xử Nữ xịn. Đúng là mình thích chăm sóc người khác, bao bọc và bảo vệ người thân, nhưng xét cho cùng thì cũng không phải lúc nào mình cũng muốn chăm sóc cho người khác hay quan tâm tới cảm xúc của người thân như một Cự Giải chuẩn. Đó, tất cả chỉ là na ná. Và chính cái na ná này, thường sẽ khiến người khác phán đoán sai về chủ thể. Quay lại câu chuyện ở phần in nghiêng, rõ ràng mình đồng dạng Mặt trời Xử Nữ, cũng vẫn thích dọn dẹp nhà cửa và khá ngứa mắt khi nhìn thấy mọi thứ không được làm cẩn thận, tỉ mỉ, nhưng vẫn không "xịn" được như Mặt trăng Xử Nữ của bố mình. Nếu bố có thể hàng ngày dọn dẹp và luôn nhìn ra được chỗ chưa ổn, thì mình lại không có khả năng đó. Năng lực đó chỉ được bật lên trong công việc mà thôi.

Nghe nói cẩm tú cầu là hoa của tháng Cự Giải.
Cũng trong chiêm tinh, có một khái niệm nữa, là khái niệm về các nhà. Nhà 3 và nhà 9 thuộc cùng một trục đối đỉnh. Điểm chung của nhà 3 và nhà 9, đó là kiến thức, tri thức, lĩnh vực học hành và cả di chuyển, đi lại. Nếu nhà 3 là "học những cái phải học", thì nhà 9 là "học những cái muốn học". Ở nhà 3 không có quyền lựa chọn, còn ở nhà 9 thì có. Ở lĩnh vực nhà 3, chúng ta học kiến thức cơ bản, phổ thông, để khi phát triển lên và khái quát nó, chúng ta đi sâu hơn vào lĩnh vực của nhà 9. Chuyện na ná hay giống nhau cũng tương tự như vậy. Giống nhau là chuyện của nhà 3, là chuyện mình cần phải biết trước, từ việc quan sát thực tế, để định hình nó là cái gì. Rồi sau đó, mới có thể khái quát nó lên, thành những thứ na ná, những tập to hơn có ít điểm chung hơn.

Câu chuyện đơn giản chỉ có vậy thôi. Mọi quy luật của vũ trụ, của tự nhiên, hay thậm chí đến cả huyền học tâm linh, thì cũng đều lý giải được đúng cả. Cuộc sống con người vốn dĩ rất đơn giản. Người ta gặp gỡ, tiếp xúc, quan sát và đưa ra nhận định. Lâu dần thì tổng quát hóa lên và rút ra những quan điểm từ kinh nghiệm và quan sát của chính bản thân mình. Chỉ là, khi đã lên đến cao rồi, thế giới quan được mở rộng, con người ta quên mất cái cơ bản, và loay hoay đi tìm cái thứ sâu thẳm mình muốn, mà hoặc là không còn dám đối diện, hoặc là chẳng có thể nhìn ra...

Nhưng mà, đấy lại là một câu chuyện khác, một câu chuyện chẳng liên quan gì đến bài post này, nếu có nói nữa, thì phải nói đến năm sau...

~ #kikyo ~ Cuối năm nên viết hơi nhiều, vậy thôi!


Share:

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả đã đưa ra khái niệm "Đồng dạng" và "Bằng nhau" khá hay trong hình học và chiêm tinh, mình có 1 câu chuyện về đồng dạng trong câu truyện tranh Naruto.
    Nếu bạn từng đọc naruto từ những tập đầu tiên chắc hẳn biết 2 nhân vật chính, đó là Naruto và Sasuke. Naruto sinh ra đã không có người thân, gia đình bên cạnh, cậu cô đơn và bị kì thị trong chính quê hương của mình. Sự cô đơn đó làm cậu cảm thông với nỗi cô đơn của Sasuke, một sự cảm thông "đồng dạng" trong nỗi cô đơn của 2 đứa trẻ.
    Sasuke, một người cô đơn vì cả gia tộc bị anh trai giết hết, cậu mang nỗi hận thù với anh trai mình suốt cuộc đời, không ai thấu hiểu nỗi đau mất đi gia đình, mất đi tất cả như Sasuke. Chính vì điều đó làm Sasuke không hiểu được Naruto, cậu ta biết nỗi cô đơn của Naruto không "Bằng nhau" với nỗi đau của mình. Một câu truyện ý nghĩa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hey :D Cám ơn bạn vì đã đọc hết và để lại comment chia sẻ :D
      Mình có đọc Naruto (đến giờ vẫn còn xem tiếp Boruto cơ ^^), và đúng là câu chuyện giữa Naruto và Sasuke chính là câu chuyện "bằng nhau" và "đồng dạng" này thật. Trong câu chuyện này, sự cô đơn của Naruto hay Sasuke đều không bằng nhau, chỉ dừng lại ở đồng dạng, và mình nghĩ cả 2 nhân vật đều biết điều đó. Nhưng cách nhìn nhận của mỗi nhân vật lại khác nhau. Naruto chọn cách nhìn "đồng dạng", còn Sasuke chọn cách nhìn không "bằng nhau". Cơ mà, dù sao thì, đây cũng là một câu chuyện ý nghĩa :D

      Xóa